Trong phạm vi bài viết này, chúng ta không đề cập đến các tiêu chí đánh giá thế nào là một bộ đổi nguồn chất lượng cao mà chỉ xem xét các yếu tố khi lựa chọn bộ đổi nguồn cho một hệ thống camera giám sát.
1. Sử dụng nguồn rời hay nguồn tổng
Như trong bài viết về cách phân loại bộ đổi nguồn đã đề cập, nguồn rời là cách sử dụng một bộ đổi nguồn cho duy nhất một camera. Thường thì bộ đổi nguồn này có dòng điện đầu ra thấp (1A hoặc 2A), chỉ đủ cung cấp cho một camera hoạt động (để tiết kiệm chi phí so với dùng nguồn có dòng điện lớn hơn). Trong khi đó, với nguồn tổng (nguồn tập trung): một nguồn sử dụng cho nhiều camera.
Sử dụng nguồn rời hay nguồn tổng cần căn cứ trên các yếu tố như số lượng camera trong hệ thống, khoảng cách giữa các camera, yêu cầu về điện năng (công suất) của từng camera…
Thông thường, nếu khoảng cách giữa hai camera >50m thì không nên sử dụng chung một nguồn tổng vì dòng điện một chiều bị suy giảm nghiêm trọng khi chạy trên khoảng cách xa (>35m).
Đứng trên lập trường của người dùng, không nên sử dụng một nguồn tổng cho toàn bộ camera trong một hệ thống vì những lý do sau:
– Khi bật/tắt bộ đổi nguồn để sửa chữa/bảo trì hoặc kiểm tra một camera nào đó, thì tất cả camera trong hệ thống cùng khởi động, yêu cầu về dòng điện tăng lên đột biến ảnh hưởng lớn đến bộ đổi nguồn, thậm chí có thể làm hỏng bộ đổi nguồn.
– Khi bộ đổi nguồn gặp vấn đề, tất cả camera trong hệ thống sẽ bị ảnh hưởng (bị tắt hoặc hoạt động không bình thường), và bạn không thể giám sát bất kỳ khu vực nào.
Vậy nếu muốn sử dụng nguồn tổng để tiết kiệm chi phí thì giải pháp là gì? Chỉ sử dụng nguồn tổng với những hệ thống có số lượng camera lớn (tối thiểu 8 camera) và có những nhóm camera được lắp đặt ở vị trí gần nhau. Mỗi một bộ đổi nguồn tập trung (với công suất thích hợp) sẽ cấp nguồn cho một nhóm camera. Khi đó nếu một bộ đổi nguồn bị hỏng thì phần còn lại của hệ thống camera vẫn hoạt động bình thường.
2. Lựa chọn công suất của bộ đổi nguồn
Nhiều khách hàng gọi điện hỏi sử dụng nguồn 12V-1A cho camera này được không, hoặc sử dụng nguồn 5A cho 8 camera kia được không?
Câu trả lời nằm ở công suất hoạt động của từng camera giám sát.
Thông thường, một camera chỉ tiêu thụ điện năng 5~8W, những loại có công suất hồng ngoại lớn hoặc camera PTZ thì tiêu thụ nhiều hơn. Tất cả những thông số về mức tiêu thụ điện năng/công suất hoạt động của camera đều dễ dàng tìm thấy trong bảng thông số kỹ thuật.
Sử dụng công thức chuyển đổi giữa thông số dòng điện và điện năng:
Chúng ta sẽ dễ dàng tính ra được dòng điện mà bộ đổi nguồn cần cung cấp.
Tuy nhiên, chúng ta không nên lựa chọn bộ đổi nguồn có dòng điện đầu ra tối đa đúng với con số này, mà nên cao hơn ít nhất 1.5 lần vì dòng điện yêu cầu khi camera khởi động thường cao hơn khá nhiều.
Ví dụ: chúng ta có một camera công suất 8W thì sẽ cần sử dụng bộ đổi nguồn 12VDC có dòng điện đầu ra tối đa là (8/12) x 1.5 = 1A.
3. Nếu camera hỗ trợ cả nguồn 12VDC và 24VAC thì nên chọn loại nguồn nào?
Thông thường camera sử dụng nguồn điện 12VDC, trong khi đó một số camera PTZ hay camera hình chữ nhật, camera có hồng ngoại công suất lớn cho phép lựa chọn giữa 12VDC và 24VAC. Yếu tố khác biệt lớn nhất giữa hai loại nguồn điện này là khoảng cách. Với khoảng cách ngắn (dưới 35m hoặc thấp hơn), có thể sử dụng nguồn 12VDC. Ngoài khoảng cách này, dòng điện DC bị suy giảm nghiêm trọng, camera không được cấp nguồn đầy đủ. Lúc này cần sử dụng đến 24VAC. (Tất nhiên là bạn vẫn có thể chạy điện lưới ~220V đến gần camera và sử dụng bộ đổi nguồn 12VDC!)
Khi điện áp tăng gấp đôi thì dòng điện tiêu thụ giảm xuống một nửa, và sự sụt giảm điện áp cũng thấp hơn. Nếu một camera tiêu thụ 9W, với nguồn điện 12VDC nó sẽ tiêu thụ dòng 0.75A. Ở khoảng cách 35m trên dây dẫn 18AWG (tiết diện dây ~ 1.0 mm2, xem bảng quy đổi chỉ số AWG), điện áp sụt giảm khoảng 1V. Tuy nhiên, với nguồn điện 24VAC, dòng tiêu thụ chỉ khoảng 0.375A, và điện áp sụt giảm trên đường dây chỉ là 0.5V.
Vì lý do này mà bộ đổi nguồn 24VAC thường được ưu tiên sử dụng với camera PTZ nếu được hỗ trợ.
Ngoài vấn đề về lựa chọn bộ đổi nguồn, khi thiết kế nguồn điện cho hệ thống camera giám sát, người dùng cũng cần xem xét các vấn đề sau:
– Lựa chọn hình dáng của bộ đổi nguồn (hình dáng, loại chân cắm, loại đầu cắm DC…), nguồn trong nhà/ngoài trời để phù hợp với thực tế lắp đặt.
– Yêu cầu về nguồn dự phòng: Có cần sử dụng bộ lưu điện hay không? Công suất bộ lưu điện là bao nhiêu?
– Bảo vệ quá áp, bảo vệ chạm tải…: Bộ đổi nguồn cho hệ thống camera trên thị trường hiện nay thường không có chức năng bảo vệ (hầu hết đều là nguồn giá rẻ). Nếu cần thiết phải lắp đặt thêm các thiết bị bảo vệ cho hệ thống camera, đơn giản như sử dụng rơ-le bảo vệ quá áp.